Tin Tức Hàng Không

Cập nhật những thông tin mới về ngành hàng không

Xung đột trong phát triển hàng không

Bạn đánh giá: 0 / 5

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam đến năm 2020 đang bị giới hạn bởi hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém.

Dư địa hẹp

230 tàu bay là quy mô của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 theo Dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 do Cục Hàng không Việt Nam xây dựng.

Cần phải nói thêm rằng, quy mô đội tàu bay dự kiến quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch phát triển của các hãng hàng không trong nước.

1 45275

Theo số liệu tổng hợp của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020, Vietnam Airlines (bao gồm cả Vasco) đã lên kế hoạch mua sắm, đầu tư đội tàu bay với 114 chiếc, trong đó có loại máy bay thân rộng (Boeing 777, Boeing 787, Airbus 330, Airbus 350) là 32 chiếc, tăng 24 chiếc; Jetstar Pacific sẽ xây dựng đội tàu bay gồm 30 chiếc chủ yếu là A320/A321, tăng 12 chiếc so với thời điểm tháng 9/2016.

Đứng đầu trong số các hãng hàng không duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay là Vietjet với 100 chiếc A320/A321 vào năm 2020, tăng 55 chiếc so với thời điểm đầu quý III/2016.

Trong khi đó, Vietstar - hãng hàng không đang đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, sẽ có đội bay gồm 19 chiếc máy bay tầm trung, chủ yếu là các dòng máy bay A320 và Boeing 737.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam tính toán, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay như trên, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không trong nước sẽ duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 20,3%/năm và đạt khoảng 102 triệu lượt hành khách vào năm 2020, tăng gấp đôi sản lượng của năm 2016, vượt khoảng 24% so với Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ - TTg ngày 8/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu tính cả các hãng hàng không nước ngoài, tổng sản lượng hành khách qua lại các cảng hàng không sẽ đạt khoảng 167,6 triệu lượt khách.

Cần phải nói thêm rằng, giai đoạn 2011 - 2015, thị trường hàng không tăng trưởng trung bình 15%, đặc biệt trong 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng được đánh giá là “chưa từng có”, với 22,2% vào năm 2015 và 31,2% trong 9 tháng năm 2016.

Đội tàu bay của 4 hãng hàng không nội địa cũng tăng mạnh, từ 94 chiếc năm 2011 lên 141 chiếc vào quý III/2016, chủ yếu là do sự gia nhập thị trường dồn dập của Vietjet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với quy mô đội tàu bay sau 4 năm tới được Cục Hàng không Việt Nam lên kế hoạch, các hãng hàng không chỉ được phép mua sắm thêm tối đa 89 chiếc nữa, tính trung bình khoảng 22 chiếc/năm.

“Đây là dư địa rất hẹp nếu so với nhu cầu của thị trường cũng như mong muốn của các hãng hàng không”, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Lo hạ tầng không đáp ứng

Được biết, lý do chính khiến đội tàu bay thương mại Việt Nam bị chốt trong khoảng 230 chiếc vào năm 2020 chính là do xung đột với tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng hàng không.

Theo tính toán, ngay cả khi bỏ ra khoảng 70.000 tỷ đồng để đầu tư triển khai các hệ thống đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ, tàu bay, nhà ga hành khách, thì 21 cảng hàng không hiện hữu và 3 cảng hàng không mới (Lào Cai, Vân Đồn - Quảng Ninh, Phan Thiết) cũng chỉ đạt công suất thiết kế đến năm 2020 là 116,5 triệu khách/năm, thấp hơn 50 triệu lượt khách so với nhu cầu của các hãng.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu của các hãng hàng không Việt Nam về vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các sân bay căn cứ là 242 vị trí, vượt 22 vị trí, đặc biệt tại 2 cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì cung vượt quá lớn (53 vị trí).

“Với tổng công suất như trên, nguy cơ quá tải trên diện rộng là hoàn toàn xảy ra nếu chiểu theo kế hoạch phát triển của các hãng hàng không”, ông Thanh nhận định.

Chia sẻ với quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam, ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc Jetstar Pacific cho rằng, việc điều tiết tăng trưởng quy mô đội tàu bay là cần thiết để phù hợp với kết cấu hạ tầng, giúp ngành hàng không phát triển bền vững hơn.

Lãnh đạo Jetstar Pacific cho biết, theo Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO), tốc độ tăng trưởng hàng không chỉ nên duy trì từ 1,6 - 1,7 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

“Với mức tăng tải khách lên tới 30% trong 2 năm qua, các hãng hàng không đang rơi vào cuộc cạnh tranh gay gắt về giá. Ngoài việc làm giảm lợi nhuận trực tiếp của các doanh nghiệp hàng không, còn làm biến dạng bản chất của thị trường vận tải khi giá vé chặng bay Bắc - Nam có thời điểm còn rẻ hơn cả đường sắt”, ông Hà đánh giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi chờ làm rõ thêm những chỉ dấu về tăng trưởng nóng, thiếu bền vững của thị trường, việc cơ quan quản lý nhà nước cố gắng “gọt cánh” của các hãng hàng không cho vừa “số lượng, quy mô hạ tầng”, rất có thể dẫn đến hạn chế sự tự chủ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cùng với việc cho phép các hãng bay ngoại có thêm thương quyền đón khách, bản thân các hãng hàng không Việt cùng vươn ra thành lập liên doanh tại nước ngoài. Tuy vậy, sẽ rất khó để hàng không nội địa tung cánh bay xa, đủ sức cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài nếu như chiến lược kinh doanh của họ bị chốt cứng bởi một hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ trong nước”, lãnh đạo một hãng hàng không phản bác.

Anh Minh

bannerweb 05

Lượt Truy Cập Online

Đang có 35 khách và không thành viên đang online

Tin Tức Liên Quan